Các tham vấn dưới đây chỉ mang tính tổng quát, trước khi đưa ra bất kỳ quyết định tài chính nào, mời quý vị gặp các chuyên gia tài chính để có những lời khuyên phù hợp trong từng trường hợp cụ thể.
Khách mời: Coach Hà Phi là một người huấn luyện nội tâm và diễn giả của WIT, một tổ chức giáo dục cung cấp các chương trình huấn luyện về: Nội Tâm – Sức Khỏe – Mối Quan Hệ – Tài Chính để thể nghiệm triết lý Giáo Dục Tận Gốc.
Tiền từ đâu ra?
Tiền, về cơ bản, có nguồn gốc từ nhu cầu trao đổi hàng hóa và dịch vụ trong xã hội. Trước khi có tiền tệ như ngày nay, người ta sử dụng phương thức trao đổi trực tiếp, chẳng hạn như đổi lúa lấy cá. Tuy nhiên, phương thức này có nhiều hạn chế, và vì vậy, qua thời gian, một loại vật trao đổi trung gian đã xuất hiện, được gọi là "Tiền". Tiền ra đời như một công cụ để giải quyết những vấn đề này.
Tuy nhiên, tiền cũng có một khía cạnh khác, không chỉ là công cụ trao đổi vật chất mà còn là sự phản ánh giá trị mà con người mang lại cho xã hội. Bản chất của tiền, theo một đạo lý lâu đời, chính là quyết định bởi số lượng và chất lượng những người mà ta giúp đỡ. Đây là một nguyên lý mà bất kỳ ai muốn đạt được sự giàu có và thịnh vượng đều cần phải thấu hiểu. Trong suốt lịch sử, những cá nhân và tổ chức muốn tồn tại và phát triển luôn phải mang lại giá trị cho cộng đồng, phục vụ lợi ích của người khác. Chính vì vậy, những ai hiểu được giá trị của việc giúp đỡ và đóng góp cho xã hội sẽ nhận lại sự đền đáp xứng đáng, bao gồm cả sự giàu có và thịnh vượng.
Vậy, bản chất của tiền chính là để phục vụ Nhân sinh, và ai thấu hiểu Nhân sinh, có khả năng giúp đỡ càng nhiều người thì tiền sẽ tụ về người đó.
Nếu không có tiền, làm sao để đầu tư?
Đầu tư thông thường là một hoạt động kinh doanh đòi hỏi người đầu tư cần có kiến thức, kinh nghiệm và vốn.
Khi nghĩ đến vốn, đa số chúng ta sẽ nghĩ ngay đến tiền bạc, tài sản, hay các hình thức đầu tư tài chính như chứng khoán, bất động sản...
Vậy một người không có tiền thì bắt đầu đầu tư từ đâu? Có một loại đầu tư rất đặc biệt, đó là đầu tư vào bản thân của bạn!
Nếu mượn tư duy Nhân - Quả, ta có thể thấy rằng khi một người đầu tư, mục tiêu cuối cùng vẫn là Quả, tức là lợi nhuận. Nhưng để có được Quả như ý muốn, ta phải hiểu rằng Quả không đến từ sự may rủi hay sự ngẫu nhiên, mà phải có Nhân và Duyên phù hợp. Giống như việc bạn trồng hạt ớt, không thể mong đợi nó mọc thành cây táo và cho quả táo.
Vậy, đầu tư vào Nhân gì để đảm bảo Quả luôn sinh lợi và bền vững? Theo quan điểm của các bậc Cao nhân, cuộc sống của mỗi người quyết định bởi hai yếu tố then chốt:
-Giá trị cá nhân
-Mối quan hệ xã hội
Khi hai yếu tố này được xây dựng vững chắc, cuộc sống của bạn sẽ tự động có những kết quả tốt đẹp.
Giá trị cá nhân một người được quyết định bởi Trí tuệ, Tâm thái, Nhân cách, Phẩm chất của họ. Mối quan hệ xã hội của một người được quyết định bởi Nhận thức nội tâm về con người, năng lực nhận dạng và nâng cấp mối quan hệ xã hội. Cả hai yếu tố này đều bắt nguồn từ Nhận thức nội tâm của bạn.
Vì vậy loại đầu tư khôn ngoan nhất chính là đầu tư vào chính bản thân mình, đó là cách bạn nâng cao giá trị cá nhân, xây dựng nền tảng cho các mối quan hệ xã hội bền vững và lành mạnh. Nâng tầm nhận thức của bản thân, kiến tạo cho mình một nền tảng vững chắc, biến chính mình trở thành Nhân tốt, kiến tạo Duyên lành, khi đó bạn sẽ đơn giản gặt hái được những thành quả tốt đẹp của cuộc sống.
Bạn có đang đầu tư vào chính mình và các mối quan hệ chất lượng? Credit: Unsplash/Alexis Brown
Cách hiệu quả để đầu tư vào chính mình
Cuộc đời một con người xoay quanh 4 khía cạnh chính: Nội tâm, sức khoẻ, mối quan hệ và tài chính.
Nếu ví cuộc đời mỗi người giống như một ngôi nhà, thì Nội tâm chính là nền móng, sức khoẻ là trụ cột bên trái, mối quan hệ là trụ cột bên phải, và tài chính là mái nhà.
Cả bốn khía cạnh này có mối quan hệ chặt chẽ và ảnh hưởng lẫn nhau, tạo thành một cấu trúc vững chắc hay dễ bị lung lay tùy vào cách chúng ta xây dựng và chăm sóc từng phần.
Trong xã hội hiện đại, tài chính thường là mối quan tâm lớn nhất. Con người đổ nhiều công sức, thời gian, thậm chí là đánh đổi cả sức khoẻ và gia đình để kiếm tiền. Họ hy vọng rằng khi đã có tài chính vững vàng, họ sẽ có thể mua được mọi thứ, bao gồm sức khoẻ, gia đình, sự bình an trong tuổi già.
Nhưng điều đáng tiếc là, phần lớn mọi người đều phát hiện ra dù có tiền bạc dư dả, họ cũng không thể mua lại sức khoẻ đã mất hoặc tìm lại được hạnh phúc đã đánh mất. Cứ như vậy, rất nhiều người rơi vào cái bẫy “xây nhà từ nóc” – tức là cố gắng xây dựng một mái nhà vững chắc mà không để ý đến nền móng. Cái bẫy này khiến cho người ta dù có một mái nhà đẹp (tài chính dồi dào) nhưng lại không có nền tảng vững chắc để duy trì sự bền vững lâu dài.
Thực tế là, một người có Nội tâm an vui, hạnh phúc, có sức khoẻ tốt và xây dựng được mối quan hệ xã hội chất lượng sẽ đơn giản đạt được sự thịnh vượng, đủ đầy về mặt tài chính.
Vì sao? Bởi lẽ, những yếu tố này tạo nên một nền tảng vững chắc, giúp con người phát triển toàn diện, có sức mạnh tinh thần để vượt qua thử thách và đơn giản có được nhiều cơ hội hay sự giúp đỡ từ những mối hệ chất lượng.
Coach Hà Phi
Bắt đầu từ nội tâm: Đầu tư vào trí tuệ, tâm thái, nhân cách và phẩm chất là điều tiên quyết. Một người có tâm thái ổn định, biết đối mặt với thử thách và luôn giữ được sự bình an nội tâm sẽ dễ dàng đưa ra những quyết định sáng suốt, tránh bị chi phối bởi cảm xúc tiêu cực hay ngoại cảnh. Nội tâm an ổn chính là nguồn sức mạnh để bạn duy trì sự kiên định và tạo ra những bước đi vững vàng trong cuộc sống.
Chú trọng sức khoẻ: Sức khoẻ là tài sản vô giá. Khi bạn khỏe mạnh, bạn có thể làm việc hiệu quả, duy trì năng lượng cho cuộc sống và dễ dàng tận hưởng mọi thành quả lao động. Đầu tư vào sức khoẻ, có một nhận thức tốt về sức khoẻ, duy trì lối sống lành mạnh, ăn uống khoa học, luyện tập thể thao và nghỉ ngơi hợp lý sẽ giúp bạn có thể tận dụng tối đa năng lực của bản thân trong suốt cuộc đời.
Xây dựng mối quan hệ chất lượng: Mối quan hệ xã hội không chỉ là những cuộc gặp gỡ, giao tiếp, mà còn là những kết nối tạo nên giá trị trong cuộc sống. Những mối quan hệ tốt sẽ tạo ra cơ hội, hỗ trợ bạn vượt qua khó khăn, cung cấp kiến thức và nguồn lực, cũng như mang lại sự thịnh vượng trong công việc. Hãy chú trọng đến việc xây dựng các mối quan hệ chất lượng, nơi mà bạn và những người xung quanh có thể cùng phát triển, học hỏi và giúp đỡ nhau.
Khi bạn đã xây dựng được nền móng vững chắc từ nội tâm, sức khoẻ và các mối quan hệ, thì tài chính chỉ còn là kết quả tất yếu của quá trình đó. Đầu tư vào phát triển bản thân không chỉ tạo ra giá trị về mặt tinh thần mà còn mở ra những cơ hội tạo lập giá trị vật chất.
Một nền tảng vững vàng giúp bạn dễ dàng nhìn nhận cơ hội, hiểu rõ cách tạo lập giá trị, và từ đó phát triển các kỹ năng, năng lực cần thiết.
Việc đầu tư vào bản thân, giống như việc xây dựng một ngôi nhà, cần có sự trọng điểm và giai đoạn. Bạn không thể chỉ tập trung vào một yếu tố duy nhất như tài chính mà bỏ qua những yếu tố quan trọng khác như sức khoẻ hay các mối quan hệ. Đồng thời, quá trình này phải diễn ra theo giai đoạn, bắt đầu từ việc xây dựng nền tảng vững chắc (nội tâm, sức khoẻ, quan hệ) rồi mới đến việc làm chủ các công cụ tạo lập giá trị như nghề nghiệp, kỹ năng, và tài chính.
Khi nền móng vững chắc, bạn sẽ không chỉ làm chủ tài chính mà còn làm chủ cuộc đời của chính mình.
Sức khỏe là yếu tố trung tâm để tạo ra sự thịnh vượng giàu có. Source: Flickr
Tư duy đúng đắn về việc sử dụng tiền
Trong xã hội hiện đại, tiền không chỉ đơn thuần là phương tiện trao đổi mà còn là một công cụ thiết yếu giúp con người đáp ứng các nhu cầu cơ bản và nâng cao chất lượng cuộc sống. Tiền phục vụ cho sức khỏe, phục vụ cho việc kết nối và xây dựng các mối quan hệ, đồng thời mang lại sự an tâm trong cuộc sống hàng ngày.
Chúng ta thường dùng tiền cho những mục đích mang lại giá trị thực sự, như cải thiện chất lượng cuộc sống qua thực phẩm, dịch vụ chăm sóc sức khỏe, hay những sản phẩm, công cụ giúp nâng cao đời sống vật chất và giá trị tinh thần. Tiền cũng giúp kết nối và xây dựng các mối quan hệ xã hội, từ đó làm giàu thêm đời sống cảm xúc và tinh thần. Và khi cuộc sống đã tương đối ổn định, con người bắt đầu nghĩ đến việc cho đi, tạo dựng giá trị cuộc sống, từ đó nâng cao được cảnh giới sống của chính mình.
Vậy, mục tiêu thực sự của bạn là gì? Có phải là sở hữu thật nhiều tiền, hay là nâng cao chất lượng và giá trị cuộc sống? Đây chính là yếu tố then chốt quyết định bạn có cảm thấy thực sự giàu có hay không, dù cho bạn có sở hữu bao nhiêu tiền đi chăng nữa.Coach Hà Phi
Có một bí mật là: những người tập trung vào việc nâng cao chất lượng cuộc sống và giá trị cuộc sống sẽ luôn cảm thấy mình giàu có, bất kể số tiền họ sở hữu. Trong khi đó, những người chỉ chú trọng vào con số tiền bạc mà bỏ qua giá trị thực sự của cuộc sống, sẽ luôn có cảm giác thiếu thốn, dù tài chính của họ có dồi dào đến đâu.
Chính vì vậy, thay vì tập trung vào việc sở hữu tiền, hãy nghĩ về cách sử dụng tiền sao cho hiệu quả và có ý nghĩa. Một người có tư duy đúng đắn về tiền là người biết cách để tiền phục vụ mình, thay vì để bản thân phải phục vụ cho đồng tiền.
Khi bạn biết cách sử dụng tiền một cách có kế hoạch, bạn sẽ đơn giản đạt được sự giàu có và đủ đầy. Một trong những quan niệm giúp bạn đơn giản hóa việc sử dụng tiền một cách hiệu quả là: "Tiền tụ về người có kế hoạch xài tiền có ý nghĩa". Vì vậy, thay vì nghĩ mọi cách để kiếm tiền, hãy nghĩ tới kế hoạch xài tiền trước!
Cuộc đời mỗi người đều gắn liền với những mối quan tâm đa dạng, từ bản thân, gia đình, cho đến tổ chức, xã hội và thậm chí là toàn nhân loại. Vậy, bạn đang nhắm đến phục vụ ai trong những đối tượng đó? Việc bạn có kế hoạch xài tiền như thế nào cho bản thân, cho gia đình, cho tổ chức, cho xã hội quyết định bạn tụ được bao nhiêu tài chính.
Hay nói cách khác, động lực sinh tồn của bạn càng lớn, bạn càng giàu có, nguồn lực của bạn càng dồi dào. Mở rộng động lực sinh tồn, đồng nghĩa với sự tăng trưởng về tiền tài, tài năng, sự phát triển cá nhân và khả năng thu hút nguồn lực vô hạn của xã hội, khả năng cống hiến của bạn sẽ tỉ lệ với động lực mà bạn hướng đến.
Mời quý vị nhấn vào audio để nghe toàn bộ bài phỏng vấn.
'Cơm áo gạo tiền' phát thanh hàng tuần vào mỗi tối thứ Ba trên SBS Radio. Tại đây, các chuyên gia về tài chánh, tiền bạc, hưu bổng, thuế vụ, đầu tư, cho vay... sẽ chia sẻ với quý vị phương thức chi tiêu thông minh, cách đầu tư hiệu quả, tư duy đúng đắn về tiền bạc, cũng như những khái niệm căn bản về tiền bạc. Đón nghe và cho chúng tôi biết chủ đề bạn quan tâm bằng cách gửi email về cho SBS: [email protected]
READ MORE
Cơm áo gạo tiền