Cơm áo gạo tiền: Muốn giàu mà sợ tiền làm phiền? Những niềm tin âm thầm kìm hãm bạn

423221375_1564048847742564_4719940355725681140_n.jpg

Leadership Coach Anna Ngoc Le Credit: SBS Vietnamese

'Tiền là gốc rễ của mọi tội lỗi; Phụ nữ không cần quan tâm đến tài chính, cứ để chồng lo; Muốn giàu nhưng sợ tiền làm phiền; Người giàu xấu xa, người nghèo tốt bụng'. Những niềm tin sai lệch về tiền có thể trở thành rào cản vô hình, khiến bạn không dám đón nhận sự thịnh vượng một cách chủ động.


Các tham vấn dưới đây chỉ mang tính tổng quát, trước khi đưa ra bất kỳ quyết định tài chính nào, mời quý vị gặp các chuyên gia để có những lời khuyên phù hợp trong từng trường hợp cụ thể.

Đôi dòng về khách mời: Leadership coach Anna Ngọc Lê là người đồng sáng lập AM Community for Vietnamese và Grit and Grace International, cô có nhiều năm kinh nghiệm trong việc đồng hành và hỗ trợ các nhà lãnh đạo trên hành trình phát triển bản thân. Cô hiện sống và làm công việc khai vấn tại Melbourne, sau nhiều năm làm việc trong cơ quan của chính phủ Úc.
LISTEN TO
vietnamese_Moneytalks_Quan niem sai web.mp3 image

Cơm áo gạo tiền: Muốn giàu mà sợ tiền làm phiền? Những niềm tin âm thầm kìm hãm bạn

SBS Vietnamese

24:44

Tư duy về tiền bạc và hạnh phúc: Khi thay đổi niềm tin, cuộc sống sẽ đổi thay

Trong xã hội hiện đại, nhiều người không ngừng tìm kiếm sự đủ đầy về vật chất. Tuy nhiên, theo chia sẻ của Leadership Coach Anna Ngoc Le từ Melbourne, rất ít người dừng lại để tự hỏi: “Mối quan hệ của mình với tiền bạc đang là gì?” hay “Niềm tin nào đang điều khiển cách mình kiếm, giữ và tiêu tiền?”.

Trong văn hóa Việt, tồn tại không ít quan niệm chưa cởi mở về tiền bạc, ví dụ như:
  • "Tiền là gốc rễ của mọi tội lỗi"
  • "Nói chuyện tiền bạc là thực dụng, không hay ho"
  • "Phụ nữ không cần quan tâm đến tài chính, để chồng lo"
  • "Muốn giàu nhưng sợ tiền làm phiền"
  • "Người giàu xấu xa, người nghèo tốt bụng"...
Những quan niệm này hình thành từ trải nghiệm sống, những gì ta nghe, thấy, được kể lại trong truyện cổ tích, phim ảnh, lời dạy của người lớn... Dần dần, chúng trở thành những niềm tin ăn sâu vào tiềm thức, được truyền từ thế hệ này sang thế hệ khác.

“Chúng ta lớn lên thường nghe tả người giàu là tham lam, xấu xa, còn người nghèo thì hiền lành, tử tế. Những mô típ lặp đi lặp lại như vậy dễ khiến người ta mặc định tiền bạc là xấu, là điều nên tránh xa,” Coach Anna Ngọc Lê phân tích.
Khi đã trưởng thành, mỗi người cần tự hỏi: Quan niệm này có lợi hay bất lợi cho mình? Mình còn muốn giữ niềm tin đó nữa không? Nếu một niềm tin không giúp ta đạt được cuộc sống mong muốn, thì đã đến lúc cần thay đổi nó'
Leadership coach Anna Ngoc Le
Sức mạnh của niềm tin mới

Niềm tin quyết định lựa chọn, và lựa chọn dẫn đến hành động. Ví dụ, nếu bạn tin rằng chỉ có làm bác sĩ, kỹ sư mới có tương lai, bạn sẽ hướng bản thân (hoặc con cái) theo hướng đó. Nếu bạn tin rằng sống ở Úc tốt hơn, bạn sẵn sàng rời bỏ quê hương để bắt đầu cuộc sống mới.

Tương tự, nếu bạn tin rằng tiền là công cụ để trao đổi giá trị, bạn sẽ muốn có nhiều tiền hơn để sống tốt hơn, giúp đỡ nhiều hơn, trải nghiệm nhiều hơn. Khi niềm tin thay đổi, lựa chọn thay đổi, và kết quả cuộc sống cũng sẽ đổi thay.

“Muốn giàu mà trong lòng vẫn nghĩ ‘giàu là xấu’ thì niềm tin sâu bên trong sẽ thắng. Người đó sẽ vô thức tránh xa sự giàu có,” Anna chia sẻ.
A young family with two small children walks down the stairs of a house
Của cải giúp cuộc sống dễ chịu hơn, nhưng không phải là điều kiện duy nhất để có hạnh phúc gia đình. Hạnh phúc cần yêu thương, thấu hiểu, quan tâm chia sẻ, sức khỏe, và cách cư xử quan hệ đối nội đối ngoại, sự bao dung độ lượng của mỗi cá nhân. Credit: lovro77/Getty Images
Tiền và hạnh phúc: Có mối liên hệ nào?

Hạnh phúc gia đình – theo coach Anna Ngọc Lê– không đến từ số dư trong tài khoản ngân hàng, mà từ sự gắn bó, yêu thương, thấu hiểu giữa các thành viên.

“Nhiều gia đình ít của cải vẫn sống đùm bọc, hạnh phúc. Ngược lại, có gia đình giàu có nhưng mâu thuẫn, tan vỡ vì thiếu gắn kết,” cô chia sẻ với SBS.
Tiền là công cụ, không có cảm xúc. Hạnh phúc là một trạng thái cảm xúc. Vì thế, tiền không tạo ra hạnh phúc, nhưng có thể giúp nâng cao chất lượng cuộc sống nếu được sử dụng đúng cách.
Leadership Coach Anna Ngoc Le
Đổ lỗi cho tiền bạc khiến gia đình bất hạnh là sai. “Tiền không có lỗi, lỗi ở chỗ chúng ta chưa sẵn sàng quản lý sự giàu có, cả về tài chính lẫn cảm xúc,” Anna nhấn mạnh.
Kế hoạch chi tiêu có ý nghĩa – nền tảng cho hạnh phúc bền vững

Một trong những cách hiệu quả để sử dụng tiền tạo ra hạnh phúc là xây dựng “kế hoạch xài tiền có ý nghĩa”.

Trong các chương trình huấn luyện về tài chính gia đình, coach Anna Ngọc Lê thường hướng dẫn từng gia đình lập kế hoạch chi tiêu dựa trên các giá trị cốt lõi, thay vì chỉ dựa vào nhu cầu trước mắt.

Kế hoạch đó thường gồm:
  • Trả tiền nhà, hóa đơn
  • Tiết kiệm 5–10%
  • Đầu tư để tạo tài sản dài hạn
  • Chi tiêu cho ăn uống, giáo dục, y tế
  • Duy trì mối quan hệ nội ngoại
  • Giải trí, du lịch
  • Khoản dự phòng khẩn cấp
Khi kế hoạch này được cả gia đình cùng bàn bạc và thống nhất, mỗi đồng tiền đều mang ý nghĩa. Ví dụ, tiết kiệm cho chuyến du lịch chung sẽ tạo ra cảm giác cùng nhau vun đắp. Khi cả nhà thấy nhu cầu lớn hơn thu nhập, họ buộc phải cùng nhau xác định: Cái gì là thiết yếu? Cái gì có thể cắt giảm? Mục tiêu nào xứng đáng để hy sinh?

Cũng có lúc gia đình đồng thuận cần tăng thu nhập. Khi đó, mỗi người sẽ chủ động hỗ trợ người đang nỗ lực kiếm tiền, tạo nên cảm giác cùng gánh vác – một kiểu hạnh phúc rất sâu sắc.
(Getty)
Nhiều cha mẹ sẵn sàng hy sinh phần của mình để đáp ứng nhu cầu của con. Nhưng khi điều này trở nên thường xuyên và cực đoan, cha mẹ có thể cảm thấy mất mát hoặc thiệt thòi, dẫn đến tâm lý trách móc hoặc mong được con “biết ơn”.
Dạy trẻ tư duy tích cực về tiền bạc từ nhỏ

Một gia đình có tư duy lành mạnh về tài chính không chỉ tạo hạnh phúc cho hiện tại mà còn gieo nền tảng vững chắc cho thế hệ sau. Khi trẻ em được chứng kiến cha mẹ bàn bạc tài chính một cách minh bạch, có kế hoạch chi tiêu rõ ràng, trẻ sẽ tự nhiên học được cách sử dụng tiền hợp lý.

Trong quá trình này, trẻ học được hai hướng tiếp cận:

Cắt giảm nhu cầu:
Nhiều cha mẹ sẵn sàng hy sinh phần của mình để đáp ứng nhu cầu của con. Nhưng khi điều này trở nên thường xuyên và cực đoan, cha mẹ có thể cảm thấy mất mát hoặc thiệt thòi, dẫn đến tâm lý trách móc hoặc mong được con “biết ơn”.

Nếu cắt giảm cả nhu cầu của con mà vẫn không đủ, sự thiếu thốn sẽ gây căng thẳng và mệt mỏi cho cả gia đình.

Tuy nhiên, văn hóa biết đủ, tinh thần chia sẻ và quan niệm sống đơn giản cũng giúp nhiều gia đình hạnh phúc dù trong điều kiện không dư dả.
annie-spratt-flVuw7nbzmM-unsplash.jpg
Văn hóa biết đủ, tinh thần chia sẻ và quan niệm sống đơn giản cũng giúp nhiều gia đình hạnh phúc dù trong điều kiện không dư dả. Credit: Unsplash/Annie Spratt
Tăng thu nhập:

Nhiều gia đình chọn cách này để đáp ứng đủ và dư nhu cầu sống. Họ lập kế hoạch rõ ràng, dành tiền dư ra 10% để làm từ thiện, phần còn lại được đầu tư để sinh lợi.

Nhờ vậy, họ không chỉ đủ đầy mà còn ngày càng vững vàng. Khi có tài chính dư, họ tiếp tục cùng nhau bàn bạc cách sử dụng – để tiền không chỉ phục vụ nhu cầu cá nhân mà còn nuôi dưỡng giá trị chung của gia đình.

Muốn có được văn hóa tài chính lành mạnh như vậy, mỗi người trong gia đình cần có mong muốn thực sự được sống hạnh phúc xây dựng sự thịnh vượng cùng nhau.

Từ đó, việc dạy con hiểu đúng về tiền không còn là những bài học lý thuyết, mà là một quá trình sống, học và cùng trưởng thành trong một môi trường yêu thương và có trách nhiệm.

Mời quý vị nhấn vào audio để nghe toàn bộ bài phỏng vấn.
'Cơm áo gạo tiền' phát thanh hàng tuần vào mỗi tối thứ Ba trên SBS Radio. Tại đây, các chuyên gia về tài chánh, tiền bạc, hưu bổng, thuế vụ, đầu tư, cho vay... sẽ chia sẻ với quý vị phương thức chi tiêu thông minh, cách đầu tư hiệu quả, tư duy đúng đắn về tiền bạc, cũng như những khái niệm căn bản về tiền bạc. Đón nghe và cho chúng tôi biết chủ đề bạn quan tâm bằng cách gửi email về cho SBS: [email protected]
Đồng hành cùng chúng tôi tại và cập nhật tin tức ở 

Nghe SBS Tiếng Việt trên ứng dụng miễn phí SBS Audio, tải về từ hay 

Share