Cơm áo gạo tiền: Biến ý tưởng kinh doanh thành hiện thực và tự làm chủ ở Úc

Mr Tung Le - Size ngang.png

Ông Lê Thanh Tùng là giám đốc điều hành của Bluewise Group, với 10 năm kinh nghiệm trong việc cố vấn doanh nghiệp.

Người Việt ở Úc được biết đến với sự chăm chỉ và nhạy bén trong kinh doanh. Từ những cửa hàng nhỏ lẻ đến chuỗi doanh nghiệp lớn, người Việt đã và đang tạo nên những thành công không nhỏ. Bạn muốn biến ý tưởng kinh doanh thành thực tế để tự làm chủ, như buôn bán thức ăn tại nhà, mở tiệm nail hay salon làm đẹp, nhưng chưa biết bắt đầu từ đâu?


Với hệ thống pháp luật và quy định đa dạng, việc tự kinh doanh có thể là một thách thức. Tuy nhiên, chính phủ Úc cũng có nhiều chính sách hỗ trợ dành cho các doanh nghiệp nhỏ và người mới bắt đầu.

Mở một doanh nghiệp nhỏ hay bắt đầu buôn bán ở Úc có thể là một giấc mơ đầy hứa hẹn, nhưng với người mới bắt đầu, con đường này không hề dễ dàng. Từ việc tìm hiểu về các quy định pháp lý phức tạp, đăng ký giấy phép kinh doanh, cho đến việc quản lý tài chính và đáp ứng các yêu cầu về thuế, đều đòi hỏi sự kiên trì và kiến thức cụ thể.

Tiết mục 'Cơm áo gạo tiền' chia sẻ những bước cần thiết để khởi đầu hành trình kinh doanh của bạn một cách thuận lợi và hiệu quả.

Các tham vấn dưới đây chỉ mang tính tổng quát, mời quý vị gặp các chuyên gia tài chính để có những lời khuyên phù hợp cho từng trường hợp cụ thể.

Đôi nét về khách mời:

Ông Lê Thanh Tùng là chuyên gia cố vấn tài chính và thành lập doanh nghiệp với hơn 10 năm kinh nghiệm. Ông từng làm việc tại ngân hàng ANZ Australia trong nhiều năm và được mời làm Mentor tại các chương trình Start-up được tổ chức tại Úc và Việt Nam.

Ông hiện là giám đốc điều hành của Bluewise Group, một doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực tư vấn đầu tư định cư Úc, tư vấn doanh nghiệp trong các ngành kỹ nghệ ẩm thực, bán lẻ, du lịch, xuất nhập khẩu, bất động sản… Ông Thanh Tùng cũng là chuyên gia môi giới các khoản vay được cấp phép tại Úc. 

1. Xác định ý tưởng kinh doanh
Trước hết, bạn cần tìm ra sản phẩm hoặc dịch vụ mà bạn muốn cung cấp. Tìm hiểu nhu cầu của thị trường và xem xét sở thích, kỹ năng của bản thân. Ví dụ, bạn có thể kinh doanh bán thức ăn, mở tiệm cắt tóc, salon chăm sóc tóc, hoặc dịch vụ gia công tại nhà.
Một số ý tưởng phổ biến có thể kể đến:
· Bán thức ăn tại nhà (bánh, cơm, chè…)
· Mở tiệm cắt tóc, làm đẹp hoặc salon
· Cửa hàng quần áo, đồ trang trí nội thất, quà tặng
· Kinh doanh sản phẩm handmade hoặc đồ thủ công mỹ nghệ
· Các chương trình online tham vấn về dinh dưỡng hoặc thể dục thể thao
online business
Việc buôn bán qua mạng cũng giảm thiểu vốn đầu tư ban đầu. Source: Getty / Getty Images
2. Nghiên cứu thị trường
Khi đã có ý tưởng, bạn cần nghiên cứu thị trường để hiểu về đối thủ cạnh tranh, đối tượng khách hàng và nhu cầu của thị trường. Các câu hỏi quan trọng cần trả lời bao gồm:
· Ai là khách hàng tiềm năng của bạn?
· Họ cần gì và mong đợi gì từ sản phẩm/dịch vụ của bạn?
· Ai là đối thủ cạnh tranh chính và họ làm thế nào để thu hút khách hàng?
Nghiên cứu thị trường kỹ lưỡng sẽ giúp bạn xác định được điểm mạnh và yếu của mình so với các đối thủ khác và cơ hội phát triển trong tương lai.

3. Lập kế hoạch kinh doanh
Kế hoạch kinh doanh dùng để xác định chiến lược phát triển của doanh nghiệp. Kế hoạch này cần bao gồm các yếu tố:
· Mô tả doanh nghiệp: Tóm tắt về lĩnh vực kinh doanh và sản phẩm/dịch vụ cung cấp.
· Phân tích thị trường: Kết quả nghiên cứu thị trường của bạn.
· Chiến lược tiếp thị: Cách bạn sẽ thu hút và giữ chân khách hàng.
· Kế hoạch tài chính: Xác định nguồn vốn, chi phí, dự đoán lợi nhuận.
Kế hoạch kinh doanh không chỉ giúp bạn tổ chức ý tưởng mà còn là cơ sở để thu hút đầu tư, vay vốn nếu cần thiết.
Piles of takeaway food ready for the customers.
Với lượng khách hàng gốc Việt đông đảo, có một nhu cầu lớn với các món ăn mang hương vị quê nhà. Source: Facebook / Facebook/Nida's catering and takeaway
4. Xin giấy phép kinh doanh
Dù bạn mở cửa hàng hay kinh doanh tại nhà, bạn vẫn cần đảm bảo doanh nghiệp của mình tuân thủ các quy định pháp lý. Bạn có thể cần xin giấy phép kinh doanh, giấy chứng nhận an toàn vệ sinh thực phẩm (nếu kinh doanh thực phẩm), hoặc các giấy tờ liên quan khác tùy thuộc vào ngành nghề.

5. Chuẩn bị vốn và quản lý tài chính
Xác định số vốn bạn cần để bắt đầu kinh doanh. Tùy thuộc vào quy mô, bạn có thể cần đầu tư vào trang thiết bị, nguyên vật liệu, thuê mặt bằng (nếu mở cửa hàng). Đối với kinh doanh tại nhà, chi phí có thể ít hơn nhưng vẫn cần vốn ban đầu để mua nguyên liệu và quảng bá sản phẩm.
Ngoài ra, bạn cần có kế hoạch quản lý tài chính rõ ràng, bao gồm việc theo dõi chi phí, lợi nhuận và lập dự trù tài chính trong những tháng đầu kinh doanh.
Ví dụ: việc mở một tiệm nail từ đầu hoăc mua lại một tiệm nail được sang nhượng đã có khách hàng.
Nail grooming in beauty salon
Source: Getty / Getty Images
6. Quảng bá và tiếp thị
Một kế hoạch tiếp thị hiệu quả sẽ giúp bạn thu hút khách hàng. Nếu bạn bán hàng online, hãy tận dụng các nền tảng mạng xã hội (Facebook, Instagram,…) để quảng bá sản phẩm. Bạn có thể bắt đầu với việc tạo website, mở tài khoản mạng xã hội và sử dụng các phương pháp tiếp thị số như quảng cáo, tạo nội dung hấp dẫn.
Nếu bạn mở cửa hàng, quảng cáo bằng tờ rơi, khuyến mãi khai trương, hợp tác với các cửa hàng lân cận cũng là cách thu hút sự chú ý từ khách hàng địa phương.

7. Chăm sóc khách hàng
Duy trì mối quan hệ tốt với khách hàng là yếu tố quyết định thành công lâu dài của doanh nghiệp. Hãy cung cấp dịch vụ chăm sóc khách hàng tốt, lắng nghe phản hồi và cải thiện sản phẩm/dịch vụ liên tục. Chương trình ưu đãi, thẻ khách hàng thân thiết hoặc các chiến dịch quảng cáo tập trung vào sự hài lòng của khách hàng sẽ giúp bạn xây dựng lượng khách hàng trung thành.

8. Đánh giá và cải tiến liên tục
Khi doanh nghiệp hoạt động, bạn cần thường xuyên theo dõi và đánh giá hiệu quả kinh doanh. Điều chỉnh chiến lược kinh doanh, cải tiến sản phẩm, dịch vụ, hoặc tối ưu hóa quy trình hoạt động là cần thiết để duy trì và phát triển doanh nghiệp trong môi trường cạnh tranh.

Mời quý vị nhấn vào audio để nghe phỏng vấn của khách mời.
'Cơm áo gạo tiền' phát thanh hàng tuần vào mỗi tối thứ Ba trên SBS Radio. Tại đây, các chuyên gia về tài chánh, tiền bạc, hưu bổng, thuế vụ, đầu tư, cho vay... sẽ chia sẻ với quý vị phương thức chi tiêu thông minh, cách đầu tư hiệu quả, tư duy đúng đắn về tiền bạc, cũng như những khái niệm căn bản về tiền bạc. Đón nghe và cho chúng tôi biết chủ đề bạn quan tâm bằng cách gửi email về cho SBS: [email protected]

Share