Tại Úc, có lẽ phải đến 90% các tiệm nail là do người Việt làm chủ, thu hút hầu hết lượng lao động là nữ. Chính sự khéo léo, sáng tạo cộng với sự tỉ mỉ, cần cù lao động của người Việt đã tạo nên sự khác biệt trong ngành nghề kinh doanh làm đẹp này.
Học làm móng là một trong những cách kiếm tiền dễ dàng so với các ngành nghề khác, ngành nghề này không đòi hỏi bằng cấp chứng chỉ cũng như trình độ tiếng Anh, nên hầu hết phụ nữ di dân người Việt đã chọn nghề nail để kiếm sống.
Những người mới sang sẽ đi làm công cho các tiệm nail để một thời gian sau nếu kiếm đủ vốn sẽ mở một tiệm cho mình.
Chị Kim Dung, một chủ tiệm nail ở Sydney, cho biết, có hai hình thức để mở một tiệm nails. Nếu tự mở một cửa tiệm mới có thương hiệu riêng thì vốn ban đầu khoảng 50 ngàn đô la. Nhưng nếu muốn mở tiệm nails trong các khu trung tâm thương mại thì phải thông qua hình thức nhượng quyền thương mại franchise với số vốn ban đầu lên tới 150 ngàn đô la.
Đối với những tiệm mở trong các khu trung tâm thương mại, tuy lượng khách đi mua sắm đông và không ngại chi tiền để chăm sóc sắc đẹp, nhưng do ngày càng có nhiều tiệm nail cạnh tranh nên phải mất khá nhiều thời gian lúc đầu để khách biết đến tiệm của mình.
“Người dân bây giờ thích đi vào các trung tâm mua sắm vì có mọi dịch vụ từ siêu thị cho tới rạp chiếu phim, nên mình không cần tìm khách hay quảng cáo như các tiệm ở ngoài đường. Tuy nhiên bây giờ hầu hết các khu trung tâm mua sắm đều đã có tiệm nails mở sẵn nên nếu mở tiệm mới thì trong 2 năm đầu tiên lượng khách sẽ không đông.” Chị Dung nói.Công việc của chị Kim Dung bắt đầu cùng với giờ mở cửa của trung tâm thương mại từ 9 giờ sáng tới 6 giờ tối. Chị Dung cho biết, các tiệm nail ngày nay không chỉ là một nơi để chăm sóc móng tay nữa, mà đã phát triển như một nơi để các quý bà, quý cô có thể đến làm đẹp và thư giãn.
Nghề làm nails được xếp vào nhóm những công việc có nhiều ảnh hưởng đến sức khoẻ. Source: Flickr
So với các tiệm spa hay làm tóc sang trọng mà thường khách hàng phải bỏ ra rất nhiều tiền, thì ở các tiệm nail của người Việt, chỉ với khoảng $40 - $50, khách hàng cũng đã có thể được trải nghiệm cảm giác chăm sóc sắc đẹp.
Ngoài những dịch vụ sơn móng tay, vẽ móng, đắp bột thường thấy, thì các tiệm nail nay đã có thêm các dịch vụ như waxing tẩy lông, và spray tan, nhuộm da rám nắng, rất được các chị em người Úc ưa chuộng.
Chị Kim Dung cho biết:
“Sản phẩm các tiệm nails hay dùng là OPI. Bây giờ có những loại gel để giữ màu móng lâu hơn, với giá tiền trung bình $40 một bộ móng. Nếu vẽ móng thì yêu cầu người thợ phải khéo léo, có năng khiếu và có mắt thẩm mỹ. Giá vẽ móng là $5 một ngón.
“Nếu làm chân thì khách hàng được ngồi ghế massage thư giãn và được chăm sóc chân. Chi phí cho một bộ móng chân có giá trung bình $30. Ngoài ra còn có waxing tay chân, và nhuộm da.
“Nếu trên thị trường có công nghệ hay trào lưu mới thì tự động các hãng mỹ phẩm sẽ tìm đến các tiệm nails để giới thiệu. Mình cũng có thể xem quảng cáo và đi học những lớp đào tạo ngắn ngày, chỉ khoảng 3 – 5 ngày là làm được.”
Nghề làm nails được xếp vào nhóm những công việc có nhiều ảnh hưởng đến sức khoẻ. Dễ thấy nhất là ảnh hưởng từ bụi móng và hoá chất, các chất keo để gắn móng giả, chất để gỡ móng giả, các hoá chất này có thể gây dị ứng tới mắt, mũi, gây dị ứng đường hô hấp. Ngoài ra thì việc phải liên tục ngồi và tập trung làm việc cũng khiến những người thợ bị đau cơ, nhức mỏi vai, cổ.
Hiện các tiệm nails mới đã lắp thêm máy móc để làm sạch không khí, nhưng khi bước chân vào các tiệm nails, vẫn thường dễ bắt gặp hình ảnh những người thợ làm nail phải luôn đeo khẩu trang bảo vệ.
Nhưng chị Kim Dung cũng chia sẻ, ngành nghề nào cũng có những ảnh hưởng nhất định đến sức khoẻ, điều quan trọng là cách giữ gìn sức khoẻ của mình.
“Mình làm nghề này cũng hơn 10 năm và thấy thực ra công việc làm nails cũng không đến nỗi ảnh hưởng đến sức khoẻ nhiều. Các tiệm nails bây giờ cũng đã lắp đặt hệ thống làm sạch không khí, chỉ khi nào đắp móng giả cho khách mới bụi chứ sơn móng tay móng chân thì không có vấn đề gì.”
Do phải trực tiếp làm việc với khách hàng và nhất lại là trong lĩnh vực làm đẹp, thì nhiều thợ làm nail mới vào nghề luôn e ngại làm sai, làm hỏng cho khách. Nhưng không như các tiệm làm tóc nếu đã cắt sai, hay nhuộm màu sai thì rất khó sửa chữa, trong lĩnh vực làm nails có phần dễ dàng hơn, nếu phạm lỗi cũng không phải vấn đề quá to tát để chỉnh sửa lại cho vừa ý khách.
“Nghề nào cũng có những tai nạn nghề nghiệp, nhưng đối với làm nails thì mình sửa chữa cũng dễ chứ không khó. Ví dụ nếu mình lỡ cắt móng quá ngắn thì có thể đắp móng cho dài ra, hoặc nếu sơn không đúng màu khách thích thì có thể chùi đi và sơn lại.”Nghề nails tại Úc thu nhập bao nhiêu?
Những người mới sang thường sẽ đi làm công cho các tiệm nail để một thời gian sau nếu kiếm đủ vốn sẽ mở một tiệm cho mình. Source: Flickr
Hai mươi năm trước đây, nghề nails đã là một nghề thịnh hành của người Việt, nhiều người cho rằng đây là một nghề hái ra tiền, hoặc dù có đi làm công cũng là một nghề có thu nhập sống được.
Chị Kim Dung cho biết, hiện nay đa phần các chủ tiệm nails thích tuyển những người thợ đã có kinh nghiệm để làm việc được ngay, thu nhập của những người thợ dao động trong khoảng $150/tuần, tuỳ tay nghề và kinh nghiệm, thu nhập có thể chênh lệch $100 - $200. Như vậy mỗi tháng mỗi người có thể kiếm được $3,000, một con số không phải quá cao nhưng cũng đủ để trang trải một cuộc sống cơ bản đầy đủ ở Úc.
Còn đối với các chủ tiệm nails, thu nhập sau khi trừ chi phí khoảng $2,000 - $3,000 mỗi tuần. Vào mùa hè, lượng khách đến tiệm nail thường tăng, đó là lúc các chị em đổ xô đi làm đẹp để chuẩn bị đi biển, tiệc tùng, hoặc tham gia vào các buổi tiệc Christmas; thu nhập tiệm nails khi đó sẽ cao hơn mức $3,000/tuần.
Nhưng với tình hình cạnh tranh ngày càng khốc liệt hơn khi ngày càng có nhiều tiệm nails mở ra thì việc kiếm tiền không còn dễ dàng như xưa nữa. Người thợ làm nail phải giống như những chuyên gia chăm sóc sắc đẹp, hiểu rõ xu hướng thời trang để tư vấn cho khách, luôn cập nhật các xu hướng mới và học các kỹ thuật mới.
“Bây giờ mỗi tháng lại xuất hiện một tiệm nails mới nên cạnh tranh rất cao. Những người thợ và nhất là người chủ phải biết chăm sóc khách, vì một khi khách không hài lòng và bỏ đi là doanh thu sẽ xuống rất nhanh,” chị Dung nói.
Mỗi khi nhắc đến nghề làm nails là mọi người đều nghĩ đến một lĩnh vực kinh doanh của người Việt, và cũng như những nghề được cho là thống trị của người Việt khác như bán bánh mì thịt, tuy rằng sự cạnh tranh đều tăng lên mỗi năm, có những người thành công, có những người không may mắn mà thất bại, nhưng hầu hết người làm nails cho đến nay với bản tính siêng năng chịu khó vẫn sống được với nghề, có nguồn thu nhập ổn định và tạo dựng cuộc sống đầy đủ cho gia đình.
bạn muốn làm nghề gì
Bạn muốn làm nghề gì? (14) Giặt ủi và Sửa đồ