Bánh mì thịt, món ăn không chỉ phổ biến trong nước mà giờ đã tiến xa ra thế giới. Vào năm 2011, từ ‘banh mi’ thậm chí đã được thêm vào từ điển Oxford. Vào năm 2012, món bánh mì thịt cũng được tạp chí the guardian của Hoa Kỳ xếp hạng nằm trong những món ăn đường phố ngon nhất thế giới, vượt qua cả những món ăn của Ấn Độ, Thái Lan và Mexico.
Tại Úc, có thể dễ dàng tìm thấy một cửa hàng bán bánh mì chất lượng ở bất cứ nơi đâu chứ không cần phải đến những nơi có cộng đồng người Việt như Footscray ở Melbourne hay Canbramatta ở Sydney. Bánh mì thịt là một món ăn nhanh, nhưng cũng không kém phần đầy đủ dưỡng chất và cả độ đẹp mắt khi có đầy đủ thịt và rau xanh, được kẹp trong ổ bánh mì nóng giòn rụm.
Từ những lò bánh mì ngày xưa cho đến món ăn nổi tiếng ngày nay
Nghề bán bánh mì thịt của người Việt tại Úc bắt nguồn từ các lò sản xuất bánh mì. Vào những năm 90, các lò bánh mì của người Việt rất nổi tiếng và đông khách. Thuật ngữ bánh mì thịt chưa phổ biến như bây giờ, mà chỉ là bánh mì, và món bánh mì cũng phổ biến không kém trong cả cộng đồng người Việt lẫn người Úc bản địa.
Ông Danh Ân, người đã có 20 năm làm nghề bánh mì, đã kể về thời hưng thịnh của các lò bánh mì
“Thời kỳ đỉnh điểm của việc kinh doanh bánh mì là từ đầu cho đến giữa những năm 90. Khi đó một lò bánh mì mỗi ngày có thể bán tới cả ngàn ổ, mà một con đường có khi tới 2, 3 lò mà lúc nào cũng đông khách.
“Lúc đó người dân cả Úc lẫn người Việt đều có thói quen ăn BBQ cuối tuần, và họ thường ăn với bánh mì, hoặc người Việt nấu những món như cari, bò kho thì cũng mua bánh mì, và nhắc tới bánh mì là chỉ có từ các lò bánh mì của người Việt.”
Nhưng ngày nay, các lò bánh mì của người Việt đã không còn đất sống khi sự cạnh tranh của các siêu thị như Woolworths và Coles ngày càng khắc nghiệt hơn. Những người chủ dần phải chuyển hướng sang kinh doanh bánh mì thịt như một sản phẩm thay thế.
“Các siêu thị như Woolworths có cửa hàng ở mọi nơi chứ không chỉ ở các trung tâm thương mại như trước kia, và họ có bán bánh mì tươi mỗi ngày. Khách hàng bây giờ nghĩ đến bánh mì là nghĩ tới bánh mì Woolworths, không còn bánh mì Việt nữa.
“Khi bánh mì không còn bán được nhiều như xưa, các người chủ một là bỏ nghề, hai là bán thêm bánh mì thịt. Cho nên các lò bánh mì thường bán bánh mì thịt là như vậy. Từ đó bánh mì thịt mới trở nên phổ biến. Tôi cũng đã chuyển sang bán bánh mì thịt, đồng thời bán cả cafe.”Kinh doanh bánh mì thịt có gì khó?
Một kiểu bánh mì kết hợp với khẩu vị Tây phương của tiệm Bánh You Source: Supplied
Người kinh doanh bánh mì thịt nếu có lò bánh mì riêng thì phải bắt đầu công việc từ rất sớm, và thời gian làm việc khá dài.
“Thời các lò bánh mì còn hưng thịnh người ta toàn bắt đầu làm từ 11, 12 giờ đêm. Bây giờ thì có thể bắt đầu làm từ 2h sáng, lúc đó là thời gian ủ bột, cho bột nghỉ để đến 5 giờ sáng là bắt đầu nướng để kịp bán cho những người đi làm.
“Thường tôi mở cửa hàng từ 4 giờ sáng, và đóng cửa lúc 6 giờ chiều, làm việc cũng hơn 12 tiếng mỗi ngày. Cũng có người giúp nhưng mình vẫn phải quán xuyến cửa hàng.”
Bánh mì theo truyền thống của người Việt là một món ăn sáng, một ổ bánh mì đầy đủ thịt chả, rau xanh và nước xốt, và thêm một ly cafe sáng là đầy đủ dưỡng chất và làm thoả mãn vị giác cho cả những thực khách khó tính.
Nhưng dần dần bánh mì trở nên nổi tiếng và phổ biến đến mức món ăn này đã trở thành một thức ăn nhanh vào buổi trưa cho những người bận rộn.
Có rất nhiều tiệm bánh mì thịt ở Úc và hầu hết đều khá giống nhau về hương vị đa dạng, nghĩa là bánh mì ngoài phần sốt mayonaise và pate, khách hàng có thể chọn bánh mì thịt chả, hoặc bánh mì gà, xíu mại, bánh mì cá, ăn kèm với rau như cà chua, dưa leo, hành ngò.
Tuy bánh mì thịt rất được ưa chuộng, nhưng với sự cạnh tranh của rất nhiều cửa hàng như hiện nay, thì những tiệm bánh mì ra sau thường phải chọn một hướng đi khác, mới lạ hơn, nhằm ghi dấu ấn trong lòng khách hàng.
Nhiều tiệm bánh mì đã chọn cách làm mới hương vị và tập trung vào chất lượng, chẳng hạn tiệm bánh mì Obunmee, một tiệm bánh mì có địa điểm tại Pyrmont vùng nội đô Sydney là một ví dụ như vậy.
Chị Thư Nguyễn, chủ tiệm Obunmee đã chia sẻ:
“Bánh mì của Obunmee ngoài loại bánh mì truyền thống thì tiệm có làm thêm bánh mì thịt heo kho xé sợi, bánh mì gà và bò được làm theo kiểu thịt nướng, ướp sả. Ngoài ra, những loại rau ăn kèm giống với truyền thống, nghĩa là chỉ có đồ chua, dưa leo, chứ không có xà lách, cà chua.”
Một ví dụ khác là tiệm bánh mì Banh You, ở Circular Quay, Sydney. Chị Hạc, bếp trưởng của tiệm cho biết, thực đơn bánh mì ở đây không thay đổi hương vị truyền thống nhưng được làm đa dạng hơn bằng cách kết hợp bánh mì với món ăn sáng bacon and egg của phương Tây. Tiệm Banh You cũng chọn thế mạnh cạnh tranh là tập trung vào nguyên liệu tươi cũng như bánh mì luôn được làm mới trong ngày.
Nếu so với những loại thức ăn nhanh khác như hamburger hay bacon and egg đang có giá khoảng $10, thì món bánh mì Việt hoàn toàn xứng đáng để được bán với một mức giá cao hơn hiện nay.
Địa điểm và giá cả cũng làm nên sự khác biệt
Nếu như món bánh mì truyền thống thường tập trung đông đúc ở những khu vực có đông người Việt như Cabramatta, Bankstown hay Footscray thì những tiệm bánh mì fusion thường phải chọn địa điểm tập trung đông giới văn phòng, dân du lịch.
Một món ăn đầy đủ dưỡng chất như vậy lại rất tiện lợi để mang đi phù hợp với thời gian nghỉ trưa ngắn ngủi, nên hầu như các tiệm bánh mì vào buổi trưa luôn có khách văn phòng xếp hàng chờ mua.
Chị Hạc, bếp trưởng của bánh mì Banh You cho biết
“Tuy ở đây là khu du lịch và cũng có đông khách du lịch đến mua nhưng đông nhất là buổi trưa khi dân văn phòng xuống mua. Tiệm đã có dịch vụ đặt mua hàng trên mạng sẽ giảm giá cho khách 20%, khách đặt trên mạng xong đến đúng giờ xuống lấy sẽ tiết kiệm thời gian chờ đợi.”
Sức chinh phục của món bánh mì thịt còn nằm ở chỗ giá thành rẻ. Nếu như bánh mì Subwaycó giá khoảng $8, thì chỉ với nửa số tiền đó, món bánh thịt của người Việt cũng đã thoả mãn nhu cầu cả về chất lượng và hương vị.
Trong khi giá của một ổ bánh mì thịt trung bình hiện nay chỉ từ $4 đến $5, thì những tiệm bánh mì fusion này đã chọn mức gía cao hơn, trung bình $7. Có thể một số khách hàng cho rằng mức giá như vậy quá đắt đối với bánh mì Việt, thì phải nên biết rằng món bánh mì thịt phải tốn rất nhiều công sức để cho ra một món ăn vừa ngon vừa bổ dưỡng.
Và nếu so sánh với những loại thức ăn nhanh khác như hamburger hay bacon and egg, mà nhiều người sẵn sàng bỏ ra hơn $10 để ăn, thì với chất lượng của mình, món bánh mì Việt hoàn toàn xứng đáng để được bán với một mức giá cao hơn.
Không quá để nói bánh mì là món ăn đặc sản của Việt Nam, là sự kết hợp hoàn hảo giữa ẩm thực phương Tây và hương vị cầu kỳ tinh tế của ẩm thực Việt. Từ những lò bánh mì ngày nào giờ các tiệm bánh mì thịt đã trở thành một phần không thể thiếu trong văn hoá ẩm thực của xứ sở chuột túi. Và với một vị trí đặc biệt trong lòng thực khách như vậy, hi vọng món bánh mì sẽ không chỉ dừng lại là một món ăn đường phố bình dân mà sẽ tiến xa hơn nâng tầm cả về mặt chất lượng lẫn giá trị.