Báo cáo về Bộ Tài chính và Bộ Nội vụ vào hôm thứ ba 17/4 cho biết những người nhập cư có tay nghề cao giúp tạo thêm 1% vào Tổng Sản phẩm Quốc nội -GDP của Úc mỗi năm.
Nghiên cứu cũng cho thấy những người di cư lành nghề giúp làm tăng khả năng sinh lợi của quốc gia lên thêm 7 tỷ USD từ tiền đóng góp thuế của họ.
Mary Patetsos từ ban Chủ nhiệm Các Hội đồng Dân tộc Úc, ca ngợi những phát hiện từ báo cáo này.
"Đây là một đóng góp thực sự tích cực cho cuộc thảo luận về dân số và di trú, và nó khẳng định quan điểm của nhiều người rằng di dân đã thực sự góp phần vào phúc lợi kinh tế, xã hội và văn hoá của chúng ta."
Báo The Australian đưa tin vào tuần trước rằng lượng di dân định cư dài hạn dự đoán là sẽ giảm hơn 20.000 người - tức là từ 190,000 xuống còn 170,000.
Sự sụt giảm này sẽ làm giảm mức độ phúc lợi kinh tế, xã hội và văn hoá tương ứng như lúc kết thúc nhiệm kỳ của chính phủ John Howard, chủ yếu là do các quy tắc kiểm tra chặt chẽ hơn do Bộ Di trú đưa ra vào năm 2015.
Và có một cuộc tranh luận trong chính phủ Turnbull hiện tại về việc có nên cắt giảm mức nhập cư hay không.
READ MORE
Úc có nên xét lại mức nhận di dân?
Tiến sĩ Liz Allen, thuộc Trung tâm nghiên cứu xã hội và các phương pháp nghiên cứu xã hội của Úc, nói rằng ý kiến cắt giảm là một ý kiến rất dở.
"Mức nhận vào tối đa dựa trên bằng chứng về di cư từ nước ngoài vào Úc khoảng 160.000 đến 210.000 mỗi năm, do đó, chúng ta đang ở mức cân bằng.
"Bất cứ sự thay đổi nào, dù là tăng hay giảm lượng di dân nhập cư cũng phải phù hợp với các bằng chứng ổn định này.
"Và tôi muốn lưu ý bất cứ ai kêu gọi thay đổi mạnh lượng nhập cư mà nó nằm ngoài những giới hạn tối ưu thì có thể sẽ đưa Úc đi vào một cuộc suy thoái. "
Báo cáo được đưa ra vào năm ngoái và cho rằng chương trình di dân hiện nay sẽ tăng từ 0,5 đến 1% vào sự tăng trưởng GDP bình quân hàng năm từ năm từ 2020 đến năm 2050 nhờ số di dân trong độ tuổi lao động này sẽ giúp hạn chế tác động kinh tế của việc dân số già đi.
Những người lao động có kỹ năng được cấp thị thực vĩnh viễn trong năm 2014-15 được ước tính đóng góp khoảng 6,9 tỷ đô la trong ngân sách trong suốt cuộc đời của họ tại Úc, trong khi người nhập cư theo diện gia đình được cấp thị thực vĩnh viễn cũng tính từ trong năm đó ước tính đã đóng góp 1,6 tỷ đô la.
Tuy nhiên, người tị nạn, tầm trú và người tị nạn nhân đạo thì chính phủ sẽ chi 2,7 tỷ đô la ngân sách cho cả đời của họ .
Tiến sĩ Allen nói tuy nhiên điều quan trọng là Úc tiếp tục tiếp nhận những người tị nạn và di dân nhân đạo.
"Hiện tại Úc đang có một quan điểm phổ biến trong dân chúng cho là chúng ta không có chổ chứa cho một lượng người nhận vào hàng năm khủng khiếp như vậy.
"Và nếu chúng ta nhìn vào dữ liệu được đưa vào báo cáo ngày hôm nay, nhìn vào cuộc điều tra, chúng ta có thể thấy chắc chắn rằng lượng nhập cư của chúng ta đang thay đổi.
"Nó chuyển từ cái gọi là người nhập cư da trắng sang một lượng nhập cư đa dạng hơn. "
Báo cáo cũng nói rằng nhập cư nói chung cải thiện vị trí tài chính của khối thịnh vượng chung, vì người nhập cư có thể đóng góp nhiều hơn vào tiền thuế thu được hơn là mức chi cho họ ở các dịch vụ xã hội hoặc hỗ trợ của chính phủ.
Tuy nhiên, báo cáo cảnh báo rằng cần tìm ra một giải pháp để ngăn chặn áp lực hiện tại như áp lực về cơ sở hạ tầng, nhà ở, tắc nghẽn gia othông và môi trườnnhững áp lực này đang gia tăng.
Bà Patetsos nói đóng góp tài chính của người nhập cư giúp Úc cải thiện.
"Tôi cũng nghĩ điều quan trọng là chúng ta đầu tư vào cơ sở hạ tầng cho dân số của chúng ta, nghĩa là các thành phố của chúng ta đang đòi hỏi cơ sở hạ tầng mới về nhà ở, đường xá, trường học, hệ thống giáo dục... có thể đáp ứng được với sự tăng dân số từ nhập cư hay không.
"Chúng ta cần đầu tư vào những điều làm cho cộng đồng của chúng ta hoạt động, và đầu tư cơ sở hạ tầng công cộng không chỉ dành cho những người mới đến hoặc người di cư, đó còn là cho tất cả chúng ta ở đây.
"Vì thế tôi nghĩ với những kế hoạch và chính sách nhập cư cần bảo đãm những điều này, và như thế sẽ giúp Úc phát triển mạnh. "
Bà Patetsos giải thích rằng các dịch vụ cũng rất quan trọng để giúp những người nhập cư mới xây dựng cuộc sống ổn định tại Úc.
"Nếu mọi người cùng chung tay vào, nếu hệ thống cho phép con của bạn đến trường, cho bạn học ngôn ngữ, có được việc làm, tìm được công việc đầu tiên và ngôi nhà đầu tiên, tôi nghĩ rằng tất cả những điều này đều giúp việc ổn định cuộc sống tại nơi ở mới trở nên dễ dàng.
"Chúng tôi muốn mọi người cảm nhận được một phần xã hội Úc, hòa nhập vào một cộng đồng thực sự hoạt động tốt, chứ không phải bị đẩy ra ngoài lề và chỉ nhìn mọi người làm việc mà mình thì không.
"Vì vậy, càng nhanh chóng tạo cơ chế giúp ổn định cuộc sống tốt, thì càng giúp mọi người sớm hoà nhập và trở thành một phần của cộng đồng.
"Chúng ta đã thấy sự thành công diễn ra ở Úc, và tôi nghĩ chúng ta biết cách nên làm như thế nào vậy tại sao chúng ta không làm nhiều hơn thế? "
Mời vào phần audio để nghe toàn bộ nội dung
Nghe SBS Radio bằng tiếng Việt mỗi tối lúc 7pm tại