Cơm áo gạo tiền: Dù ngân sách hạn hẹp, hãy 'chuẩn bị' những loại bảo hiểm này...

markus-winkler-TM1USxUy1ps-unsplash.jpg

Gia đình bạn sẽ cần bao nhiêu tiền để duy trì cuộc sống nếu bạn không còn hoặc không thể làm việc? Credit: Unsplash/markus-winkler

Tai nạn hoặc bệnh tật có thể xảy ra bất ngờ, ngay cả khi bạn còn trẻ và khỏe mạnh. Không có bảo hiểm, rủi ro tài chính có thể 'xóa sổ' mọi kế hoạch trong chớp mắt. Nếu ngân sách hạn hẹp, đây là những loại bảo hiểm 'cần thiết nhất' mà bạn nên sở hữu.


Các tham vấn dưới đây chỉ mang tính tổng quát, trước khi đưa ra bất kỳ quyết định tài chính nào, mời quý vị gặp các chuyên gia để có những lời khuyên phù hợp trong từng trường hợp cụ thể.

Đôi dòng về khách mời: Adam Lai là cố vấn tài chính được ủy quyền của Charter Financial Planning Limited, anh hiện làm việc tại Green Associates. Adam lấy bằng Cử nhân thương mại chuyên ngành Kế toán và Kế hoạch tài chính tại Đại học Griffith và có thâm niên trong việc cung cấp các lời khuyên và dịch vụ tài chính cho khách hàng. Anh nhận Giải thưởng "Cố vấn trẻ của năm" 2019 của Count Financial.

Dù không ai muốn nghĩ đến những điều không may như bệnh tật, tai nạn hay mất mát, nhưng nếu chẳng may xảy ra, bảo hiểm chính là tấm lưới an toàn tài chính giúp bảo vệ thu nhập, tài sản và gia đình của chúng ta khỏi những cú sốc lớn về tài chính.
LISTEN TO
Vietnamese_moneytalks_insurrance_w image

Cơm áo gạo tiền: Dù ngân sách hạn hẹp, hãy 'chuẩn bị' những loại bảo hiểm này...

SBS Vietnamese

21:12

Những loại bảo hiểm phổ biến ở Úc và mức độ cần thiết của chúng

Tại Úc, những loại bảo hiểm cá nhân phổ biến nhất bao gồm:
  • Bảo hiểm nhân thọ (Life Insurance) – chi trả một khoản tiền lớn nếu bạn qua đời. (Mức độ cần thiết Cao) nếu bạn có người phụ thuộc hoặc nghĩa vụ tài chính.
  • Bảo hiểm thương tật và mất khả năng lao động vĩnh viễn (TPD Insurance) – chi trả một khoản tiền nếu bạn không thể tiếp tục làm việc vĩnh viễn do tai nạn hoặc bệnh tật. (Mức độ cần thiết Cao) đối với người trong độ tuổi lao động.
  • Bảo hiểm thu nhập (Income Protection Insurance) – thay thế tối đa 70% thu nhập nếu bạn không thể làm việc do bệnh hoặc chấn thương. (Mức độ cần thiết Rất cao), đặc biệt đối với người làm việc tự do và những ai không có phúc lợi từ công ty như nghỉ bệnh, nghỉ phép, nghỉ dài hạn.
  • Bảo hiểm bệnh hiểm nghèo (Trauma Insurance) – chi trả một khoản tiền nếu bạn được chẩn đoán mắc các bệnh nghiêm trọng như ung thư, đau tim hoặc đột quỵ. (Mức độ cần thiết Trung bình đến cao) tùy thuộc vào tiền sử bệnh của gia đình và khả năng tiếp cận tài sản tài chính lỏng như tiền tiết kiệm trong ngân hàng.
Mức độ cần thiết phụ thuộc vào giai đoạn cuộc sống, số người phụ thuộc và khả năng tài chính sẵn có như tiền tiết kiệm. Những người trẻ có gia đình và trách nhiệm tài chính thì cần bảo hiểm hơn, trong khi người lớn tuổi không còn người phụ thuộc hoặc trách nhiệm tài chính thì nhu cầu sẽ thấp hơn.

Mỗi loại bảo hiểm có mục đích riêng và lý tưởng nhất là kết hợp chúng để bảo vệ bạn trước các rủi ro khác nhau.
Adam Lai - Green Associates.jpg
Cố vấn tài chính Adam Lai - Green Associates

Tại sao bảo hiểm là phần thiết yếu trong một kế hoạch tài chính vững chắc

Bảo hiểm là tấm lưới an toàn trong kế hoạch tài chính, bảo vệ thu nhập, tài sản và gia đình bạn khỏi khó khăn tài chính nếu cuộc sống diễn ra không như mong đợi.

Người Úc nên bắt đầu suy nghĩ nghiêm túc về bảo hiểm khi:
  • Bắt đầu có thu nhập đều đặn
  • Vay nợ (ví dụ: vay mua nhà)
  • Lập gia đình hoặc trở thành người chăm sóc người thân
Càng bắt đầu sớm, bạn càng có khả năng được chấp thuận với mức phí chuẩn và ít điều kiện loại trừ hơn, đặc biệt là trước khi có vấn đề về sức khỏe.

Chọn đúng loại bảo hiểm phù hợp với tình hình tài chính hiện tại

Hãy bắt đầu với những rủi ro có thể gây tác động tài chính lớn nhất. Với hầu hết mọi người, đó là mất thu nhập, nên bảo hiểm thu nhập thường là ưu tiên hàng đầu.

Nếu còn dư trong ngân sách, tiếp theo hãy cân nhắc đến bảo hiểm TPD và nhân thọ, đặc biệt nếu bạn có người phụ thuộc hoặc khoản vay như vay mua nhà.

Với ngân sách hạn chế, bạn có thể:
  • Chọn phí bảo hiểm tăng theo tuổi (stepped premiums) để giảm chi phí ban đầu (nhưng lưu ý sẽ tăng theo tuổi).
  • Dùng quỹ hưu bổng (superannuation) để chi trả một phần bảo hiểm (nhưng điều này có thể ảnh hưởng đến tiền tiết kiệm hưu trí sau này).
  • Tránh trùng lặp bảo hiểm – nhiều người không biết mình đang đóng nhiều bảo hiểm với quyền lợi giống nhau. Nên xem lại bảo hiểm mỗi năm, vì nhu cầu và khả năng tài chính thay đổi theo thời gian.
    fin-741iShluYhk-unsplash.jpg
    Liệu bảo hiểm có sẵn trong quỹ hưu bổng (superannuation) đã đủ hay chưa? Credit: Unsplash/fin-741
Bảo hiểm thông qua quỹ hưu bổng có thể là điểm khởi đầu tốt – nhưng thường mức bảo hiểm cơ bản và không được cá nhân hóa. Nhiều hợp đồng bảo hiểm mặc định:
  • Có mức chi trả thấp
  • Định nghĩa điều kiện được chi trả rất chặt chẽ (đặc biệt với TPD)
  • Có thể không đủ để thay thế thu nhập dài hạn
  • Không đảm bảo được giữ nguyên quyền lợi – vì các điều khoản có thể thay đổi, nên bảo hiểm bạn tưởng mình có có thể không còn áp dụng khi cần đòi bồi thường
Ngoài ra, bảo hiểm bệnh hiểm nghèo không có trong super, và bảo hiểm thu nhập trong super thường không linh hoạt bằng khi mua bên ngoài.

Bảo hiểm thu nhập bên ngoài super có thể được khấu trừ thuế.

Nếu bạn có vay mua nhà, gia đình hoặc làm việc tự do, rất nên xem xét mua thêm bảo hiểm ngoài super để bù đắp.

Làm thế nào để biết mình cần bao nhiêu bảo hiểm?

Hãy trả lời hai câu hỏi chính:
  • Gia đình bạn sẽ cần bao nhiêu tiền để duy trì cuộc sống nếu bạn không còn hoặc không thể làm việc?
  • Những nghĩa vụ tài chính nào cần được chi trả? (nợ, chi phí sinh hoạt, học hành...)
Thường chúng tôi sử dụng phân tích theo nhu cầu, bao gồm:
  • Các khoản nợ hiện tại
  • Nhu cầu thay thế thu nhập (trong bao nhiêu năm)
  • Các chi phí tương lai (học hành cho con, chi phí y tế...)
Từ đó có thể tính ra mức bảo hiểm hợp lý, không quá mức cần thiết, nhưng đủ để bảo vệ những gì quan trọng nhất.

Bạn có thể nhờ cố vấn tài chính hỗ trợ việc tính toán này.

Mời quý vị nhấn vào audio để nghe toàn bộ bài phỏng vấn.
'Cơm áo gạo tiền' phát thanh hàng tuần vào mỗi tối thứ Ba trên SBS Radio. Tại đây, các chuyên gia về tài chánh, tiền bạc, hưu bổng, thuế vụ, đầu tư, cho vay... sẽ chia sẻ với quý vị phương thức chi tiêu thông minh, cách đầu tư hiệu quả, tư duy đúng đắn về tiền bạc, cũng như những khái niệm căn bản về tiền bạc. Đón nghe và cho chúng tôi biết chủ đề bạn quan tâm bằng cách gửi email về cho SBS: [email protected]
Đồng hành cùng chúng tôi tại và cập nhật tin tức ở 

Nghe SBS Tiếng Việt trên ứng dụng miễn phí SBS Audio, tải về từ hay  

Share